Lịch sử hình thành Sông_Nhà_Lê

Trước thế kỷ X đường bộ Thanh Hóa đã hình thành nối liền với Bắc Bộ. Nhưng do những điều kiện tự nhiên và xã hội mà nó chưa trở thành vai trò chủ lực trong hệ thống giao thông giữa hai vùng thì đường giao thông thuỷ từ trung tân của quận Giao Chỉ đến quận Cửu Chân - châu Ái đã trở thành quan trọng nhất. Đó là từ sông Hồng rẽ phía hữu ngạn vào sông Phủ Lý hoặc sông Nam Định đến sông Đáy rẽ sông Vạc, sông Nhà Lê vùng Ninh Bình đến cửa Thần Phù vào Thanh Hoá.

Năm 981, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, kinh đô vẫn tiếp tục đóng ở Hoa Lư (Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Vào thế kỷ X, đất Hoa Lư có núi đá cao bao bọc xung quanh, núi sông tạo thành những phòng tuyến liên hoàn, rất lợi hại trong việc phòng thủ và tiến công và tiếp giáp với châu Ái.

Sau khi tiến hành "kháng Tống, bình Chiêm" thắng lợi, Lê Đại Hành đã thi hành nhiều biện pháp tích cực để phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng. Trong xây dựng đất nước, Lê Đại Hành đã tiến hành hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy kinh tế, văn hoá xã hội phát triển. Với sự kiện mùa xuân 987, vua lần đầu tiên cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn, Lê Đại Hành đã mở đầu cho một lễ nghi mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Một công trình kết hợp để phát triển kinh tế với quốc phòng là: Công trình đào sông từ Đồng Cổ đến Bà Hoà. Toàn thư chép: "Khi nhà vua đi đánh Chiêm Thành, từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hoà, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai đào kênh, đến đây (Quý Mùi-năm 983) thì xong, công tư đều lợi".

Đồng Cổ nằm ở hữu ngạn sông Mã (Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hoá). Sông Bà Hoà ở phía cực nam tỉnh Thanh Hoá (xã Tân Trường, Tĩnh Gia), giáp huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đổ ra cửa Lạch Bạng. Như vậy, Lê Đại Hành đã cho tiến hành đào sông nối sông Mã ở bắc Thanh Hoá với sông Bà Hoà ở nam Thanh Hoá- bắc Nghệ An. Nhưng điều đó không có nghĩa là đào một con sông hoàn toàn mới. Lê Hoàn đã tận dụng những chi lưu nhỏ của các sông Mã, sông Cầu Chày, sông Chu, sông Hoàng, sông Yên... khơi sâu, nắn thẳng và đào một số đoạn cần thiết để hình thành một tuyến giao thông thuỷ nội địa thuận tiện từ bắc đến nam Thanh Hoá.

Công trình đào sông thời Tiền Lê do Lê Hoàn khởi dựng đã "mở đầu cho sự nghiệp phát triển hệ thống giao thông thuỷ nội địa Việt Nam dưới thời phong kiến" của Việt Nam vào thế kỷ X thể hiện sự lớn mạnh của quốc gia độc lập tự chủ trong việc thực hiện chức năng quản lý các công trình công cộng của nhà nước phương Đông. Giáo sư Văn Tân cho rằng: "Trong trận viễn chinh này (Lê Đại Hành đi đánh Chiêm Thành), Lê Đại Hành nhìn thấy con đường bộ đi vào Nghệ Tĩnh là con đường khó đi, làm nhọc sức quân đội và nhọc cả sức dân, gây nhiều tổn phí cho nhà nước. Vì vậy nhà vua đã ra lệnh đào một con kênh từ Bố Hạ, Quảng Xương ngày nay đến sông Bà Hoà (Tĩnh Gia) để có thể từ sông Mã cứ theo đường thuỷ mà vào đến tận Nghệ An rồi từ Nghệ An liền ra biển".[11]

Sông Bà Hoà là tên gọi khi chảy qua địa phận xã Tân Trường đến Hải Thượng theo hướng Bắc gọi là sông Yên Hoà đổ ra cửa Bạng. Từ khu vực xã Trường Lâm một dòng sông chảy theo hướng nam đi men theo chân núi Xước nối với sông Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Đó là kênh Bà Hoà mà Lê Đại Hành cho khơi đào. Trên cơ sở dòng chảy tự nhiên của các sông, Lê Đại Hành đã huy động lực lượng cho đào kênh từ cửa Thị Long nối với sông Cầu Hang để xuôi ra cửa Bạng. Sông này phải đi qua các núi đá Liên Xá, Am Các, Hậu Trạch nên gọi là kênh Than - kênh Trầm. Gia phả họ Ngô chép: Ngô Tử Án là con trai Ngô Xương Sắc. ông làm quan triều Tiền Lê Lý, được Lê Đại Hành sai đào vét các kênh sông từ Yên Định đến Tĩnh Gia... Trên kênh Sắt (nay thuộc Quỳnh Lưu) ngày nay còn dấu vết một chiếc ghế đá tạc trong hang sát với kênh Sắt. Chỗ tựa có ba chữ "Thuỷ Thạch Tiên", trên vách đá có bài thơ. Tương truyền ghế đá và bài thư của Ngô Tử Án.[12]

Từ sông Bà Hoà đổ ra cửa Bạng, quân lính Lê Đại Hành đã đào một đoạn kênh thẳng ở vùng Mai Lâm, dài khoảng 1,5 km, để uốn thẳng dòng sông vốn đi theo hình vòng thúng, men theo dòng nước chảy ở khe nước lạnh. Khe nước lạnh ở phía bắc huyện Quỳnh Lưu là chỗ phân địa giới giữa Nghệ An và Thanh Hoá. Nước khe từ trong hang núi vọt ra lạnh buốt ghê người, nên gọi tên thế [13]

Sông đào từ Đồng Cổ đến Bà Hoà ở thế kỷ X do Lê Đại Hành tổ chức thực hiện là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Con đường đó đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc và mở mang bờ cõi phía nam và còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội Thanh Hoá trong suốt tiến trình đi lên của lịch sử dân tộc.

Mười năm sau khi đào sông từ Đồng Cổ đến Bà Hoà, năm "Quý Mão (1003), Lê Đại Hành đi Hoan Châu (Nghệ An) sai đào kênh Đa Cái" [14] Đó là tuyến nối kênh Sắt ở bắc Nghệ An với sông Lam. Như vậy, từ đó đi từ vùng sông Mã (Thanh Hoá) đến vùng sông Lam (Nghệ An) ngoài tuyến đường bộ và đường biển có một tuyến đường thuỷ nội địa an toàn, thuận tiện.

Kênh Nhà Lê tại Nghi Lộc, Nghệ An.

Trước thế kỷ X và cả sau này đường bộ đi từ Giao Châu đến Ái Châu (Thanh Hoá) hết 10 ngày, từ Ái Châu đi về đông nam đến Diễn Châu hết 5 ngày. Đi ngựa mỗi ngày 70 dặm, đi bộ mỗi ngày 50 dặm [15]. Như thế, tính từ Giao Châu đến Thanh Hoá đường đi dài 500 dặm, Thanh Hoá đến Diễn Châu là 250 dặm. Con đường thuỷ từ bến Hà Nội vào đến Thanh Hoá là 416 dặm. Trên đất Thanh Hoá, đường thuỷ từ Tống Giang đến tỉnh Thanh Hoá có 77 dặm còn đến Diễn Châu là 140 dặm [16] Con đường đó không những ngắn mà rất thuận lợi bởi dùng thuyền bè nặng hay nhẹ thì mỗi ngày cũng đi được 70 dặm, thuận tiện và nhàn hạ hơn nhiều so với đi đường bộ.

Những con kênh đào đó đã góp công không nhỏ giúp cho Lê Đại Hành, Lê Long Đĩnh ra quân dẹp các cuộc nổi dậy ở Thanh Hoá trong các năm 999, 1001, 1005. Các dòng sông đào trên đất Thanh Hoá có từ thời Lê Đại Hành và các thời Lý, Trần, Hồ. Lê, Nguyễn tiếp tục khơi đào, thực sự "có lợi cho hàng vạn năm sau".

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những dòng sông đào từ Yên Mô - Nga Sơn đến Tĩnh Gia lại trở thành tuyến vận chuyển nhân tài vật lực của cả miền bắc vào miền Nam. Chính vì vậy mà các sông đào trên đất Thanh Hoá có từ thời Lê Đại Hành luôn được nạo vét, tu bổ. Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên của nhà nước độc lập tự chủ tổ chức đào sông. Sự nghiệp mở đầu vĩ đại đó của thời Tiền Lê đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này. Các thời đại kế tiếp nhau không chỉ luôn khơi đào, nạo vét các dòng sông cũ mà còn tiếp tục đào thêm các sông mới. Từ con sông đào do Lê Đại Hành đầu tiên đào trên đất Thanh Hoá thời Tiền Lê, đến thời Lý, Trần sông đào đã xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ đến Thanh-Nghệ-Tĩnh... Đến thời Lê đã rộng khắp dải miền Trung Bộ và đến thời Nguyễn thì sông đào có mặt ở khắp mọi miền Việt Nam.